Có nên dùng vật liệu xanh trong xây dựng? 

Các chủ đầu tư và doanh nghiệp bất động sản đang dần chuyển sang sử dụng vật liệu xanh thay thế các vật liệu xây dựng truyền thống để hạn chế tác động đến môi trường. Đầu tư vào xây dựng xanh tạo ra một tòa nhà tiết kiệm năng lượng, giảm lượng khí thải carbon dioxide ra tự nhiên. 

Một số loại vật liệu xanh tiêu biểu như: xốp cách nhiệt XPS, tôn sinh thái, mây, tre, nứa, cách vật liệu xây dựng tái chế,...

Lợi ích của vật liệu xanh 

Sử dụng vật liệu xanh mang lại những lợi ích vượt trội so với vật liệu xây dựng truyền thống. Dưới đây là 4 lợi ích chính khi sử dụng vật liệu xanh. 

Tính bền vững 

Đầu tiên phải kể đến tính bền vững cao của đại đa số các vật liệu xây dựng xanh. Ý tưởng chính của việc sử dụng vật liệu xanh là xây dựng một công trình tồn tại lâu dài hơn nhưng chi phí bảo trì thấp hơn và ít tốn công hơn.

Giảm chi phí và kéo dài tuổi thọ là 2 yếu tố quyết định đủ để thuyết phục bất kỳ ai xây dựng một công trình xây dựng xanh.

Tăng giá trị kinh tế 

Như đã nói, 1 trong 2 lý do lớn nhất để sử dụng vật liệu xanh là ngoài chi phí mà chúng ta có thể tiết kiệm và lượng khí thải carbon giảm, giá trị kinh tế của công trình cũng được nâng cao và nhận được sự chú ý lớn hơn. 

Theo như nghiên cứu gần đây cho biết, một công trình sử dụng các chứng nhận của bên thứ ba về tính xanh và bền vững như LOTUS, LEED,.. được bán với giá trung bình cao hơn so với một công trình tương tự không được chứng nhận.

Dù nhà đầu tư có thể không muốn làm chứng nhận xanh hoàn chỉnh cho công trình của mình, nhưng đó vẫn là một yếu tố chứng minh cho các nhà môi giới, những người có thể cho người mua tiềm năng thấy tất cả các vật liệu xây dựng được sử dụng đều  an toàn, bền vững và tiết kiệm chi phí sử dụng.

Kiến trúc xanh, bền vững, thoải mái và lành mạnh

Vật liệu xây dựng xanh thải ra ít độc tố như chất gây ung thư, VOC (Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi) và bào tử nấm mốc.Việc giảm thiểu chất thải được cải thiện thông qua sử dụng vật liệu thu hồi hoặc tái chế. Chúng ta càng tái sử dụng nhiều sản phẩm, chúng ta càng ít thu được sản phẩm mới và làm cạn kiệt tài nguyên thế giới (và ít lãng phí năng lượng hơn khi sản xuất vật liệu mới).

Từ đó giúp môi trường sống xung quanh trở lên trong lành. Con người khi sống trong một môi trường xanh và trong lành cũng giúp trí não và tinh thần được thư giãn, cải thiện khả năng tư duy và làm việc.

Ủng hộ kinh tế địa phương

Hoàn toàn có thể tận dụng vật liệu địa phương vì chúng loại bỏ chi phí và năng lượng tiêu thụ khi vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu.Lấy ví dụ như Tre cũng là vật liệu xanh cực kỳ bền vững và thân thiện với môi trường, vì chúng là những sản phẩm phát triển nhanh, có thể thu hoạch liên tục mà ít gây hại cho môi trường.

Thật tuyệt vời, khi chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng lên những công trình kiến trúc tuyệt vời mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế nước nhà.

Xu hướng sử dụng vật liệu xanh tại Việt Nam 

Việt nam là một nước phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ việc biến đổi khí hậu. Áp dụng các xu hướng xanh vào trong xây dựng như công trình xanh, vật liệu xanh là một trong những giải pháp được nhà nước và cơ quan chính quyền ủng hộ

Theo PGS.TS. Lê Trung Thành,Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), nhấn mạnh tầm quan trọng của vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng trong phát triển công trình xanh, đồng thời cho biết, xu hướng phát triển vật liệu xây dựng xanh trên thế giới hiện nay đã tiệm cận với quan điểm phát triển xanh, bền vững của Liên Hợp Quốc.

Tại Việt Nam, những năm qua, Bộ Xây dựng đã rất tích cực và chủ động tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, đồng thời ban hành theo thẩm quyền nhiều cơ chế, chính sách, đề án, chiến lược, chương trình nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng không nung, vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Trình bày tham luận “Hiện trạng và định hướng phát triển vật liệu xây dựng tại Việt Nam”, TS. Nguyễn Quang Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết, hiện nay Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về sản lượng xi măng và đứng thứ 6 thế giới về sản lượng gạch gốm ốp lát.

Riêng vật liệu xây dựng không nung (tính đến năm 2019), Việt Nam có trên 1.600 cơ sở sản xuất, với tổng công suất thiết kế đạt khoảng 10,2 tỷ viên tiêu chuẩn/năm (chiếm gần 30% tổng công suất thiết kế các dây chuyền sản xuất vật liệu xây). Chủng loại vật liệu xây dựng không nung phổ biến hiện nay là gạch bê tông, gạch bê tông khí chưng áp, tấm bê tông khí chưng áp; tấm tường bê tông rỗng đúc sẵn. Sản lượng sản xuất/tiêu thụ thực tế đạt 4,83 tỷ viên quy tiêu chuẩn gạch không nung.

Về định hướng phát triển vật liệu xây dựng trong giai đoạn tới, TS. Nguyễn Quang Hiệp cho biết, Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020, nêu rõ quan điểm của Việt Nam là: Phát triển ngành vật liệu xây dựng hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, từng bước tăng cường xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội; tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Định hướng phát triển vật liệu xây dựng cũng nêu rõ quan điểm sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu; hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng.

Đồng thời phát huy, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng; phân bổ mạng lưới cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên toàn quốc phù hợp với điều kiện về tự nhiên, xã hội của từng vùng miền.

Chiến lược cũng đề ra mục tiêu nhằm phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế, hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.

Việc phát triển và đẩy mạnh xây dựng các công trình sử dụng vật liệu xanh  trên cả nước không những giúp bảo vệ tài nguyên môi trường và còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển.  

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *