Thực trạng công trình xanh tại Việt Nam?

Công trình Xanh (Green Building) – Cụm từ đã quá quen thuộc tại các quốc gia trên Thế giới. Đây là những tòa nhà được xây dựng thân thiện với thiên nhiên, khi vận hành không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường khu vực và đô thị, giảm nhiều nhất tiêu thụ năng lượng hóa thạch, nhờ đó giảm phát thải khí CO2, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên nước và tạo được môi trường sống tốt nhất cho con người và mọi loài sinh vật. Vậy tại thị trường Việt Nam, thực trạng công trình Xanh như thế nào? Hãy cùng Đô thị xanh tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

I. Nguồn gốc Công trình Xanh tại Việt Nam

Con người hiện đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn về sinh thái và môi trường kể từ giai đoạn cuối thế kỷ 20 đến nay. Thể hiện dễ thấy nhất là qua biến đổi khí hậu, hiện tượng này đang ngày càng trở nên trầm trọng và đe dọa đến sự sống của Trái Đất. Quan ngại trước sự phát triển thiếu bền vững ở Trái Đất, vào năm 1987 Liên Hợp Quốc đã tổ chức “Môi trường và phát triển” – Buổi Hội nghị toàn cầu đầu tiên về vấn đề môi trường. Năm 1992, Liên Hợp Quốc tái tổ chức với sự tham gia của đại diện 162 quốc gia, cùng đàm phán và ký kết “Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu”. Tháng 11/1994, Việt Nam đã phê chuẩn công ước và xây dựng “Chương trình phát triển bền vững quốc gia” (Chương trình nghị sự 21).

Trong bối cảnh đó, từ năm 1990 – 1995, phong trào Công trình Xanh ra đời với sứ mệnh nâng cao ý thức toàn cầu để ứng phó với biến đổi khí hậu dựa trên dữ liệu từ các công trình xây dựng, với 50% lượng CO2 phát thải khí nhà kính.

Muốn phát triển Công trình Xanh, cần có hai điều kiện:

1. Có Tổ chức/Cơ quan có tín nhiệm điều hành và ban hành quy trình hoạt động khoa học và minh bạch.

2. Có hệ thống tiêu chí đánh giá Công trình Xanh và Hệ thống phân loại cấp chứng chỉ Công trình Xanh khoa học, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, khí hậu, môi trường, vật liệu và xây dựng của từng quốc gia để phân loại.

II. Thực trạng Công trình Xanh tại Việt Nam

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong ba quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu. Hiện tại đã có hơn 100 quốc gia trên Thế giới đang tham gia cuộc “Cách mạng Công trình Xanh” và nước ta cũng không ngoại lệ.

Năm 2007, Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) được thành lập với tư cách là một tổ chức phi chính phủ, thuộc chi nhánh của Hội đồng Công trình Xanh California. VGBC chính thức đưa ra Hệ thống đánh giá Công trình Xanh đầu tiên tại Việt Nam với tên gọi là LOTUS vào năm 2011.

 Năm 2011, Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC Vietnam) được thành lập bởi Hội Môi trường xây dựng Việt Nam dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng. “Chiến lược phát triển Công trình Xanh ở Việt Nam năm 2020 – 2030” và “Hệ thống tiêu chí Công trình Xanh Việt Nam” đã được Bộ Xây dựng giao cho Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam đảm nhiệm. Năm 2014, hai đề tài đã được hoàn thành và được Hội đồng khoa học nghiệm thu và bàn giao lại cho Bộ Xây dựng. 

Một vài công trình đã xây dựng ở TP.HCM đã được đánh giá và cấp chứng chỉ Công trình Xanh theo hệ thống đánh giá LEED (Hội đồng Công trình Xanh Mỹ).

Theo thống kê của Các tổ chức xếp hạng công trình Xanh tại Việt Nam, tính đến tháng 4/2019, tại Việt Nam có 250 dự án Công trình Xanh đã được đăng ký và chứng nhận. Một số công trình Xanh tiêu biểu tại Việt Nam như: DIAMOND LOTUS RIVERSIDE, ECOPARK SKY OASIS,….

Công trình Xanh tại Việt Nam đang bắt đầu những bước đi đầu tiên, chưa trở thành một hoạt động chính thức và nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội mặc dù hoạt động này đã phát triển được 25 năm trên Thế giới. Vạn sự khởi đầu nan, chỉ cần Công trình Xanh tại Việt Nam hoạt động mạnh mẽ, có tổ chức và kế hoạch rõ ràng, ắt sẽ thành công!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *