Kinh Tế Xanh Tại Việt Nam: Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Chiến Lược Phát Triển Bền Vững

Kinh tế xanh đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển bền vững của nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Với mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế đồng thời bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng một nền kinh tế xanh với các chính sách và chiến lược cụ thể. Tuy nhiên, sự thành công của chiến lược này phụ thuộc vào nhiều yếu tố quan trọng. Bài viết này sẽ phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam và cách chúng tác động đến quá trình thực hiện.

Kinh tế xanh là gì?

Khái niệm “kinh tế xanh” lần đầu tiên được các nhà kinh tế môi trường người Anh đưa ra vào năm 1989. Đến tháng 6 năm 2012, thuật ngữ này được chính thức công nhận tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững diễn ra tại Rio de Janeiro, Brasil. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã định nghĩa kinh tế xanh là một mô hình kinh tế với lượng khí thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và đảm bảo tính bao trùm xã hội. Về bản chất, kinh tế xanh là một hệ thống kinh tế tập trung vào sự bền vững và bảo vệ môi trường, đồng thời thúc đẩy lợi ích kinh tế và xã hội.

Kinh tế xanh đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển bền vững của nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam

Thực trạng kinh tế xanh trong các doanh nghiệp Việt Nam

Năm 2021 số lượng doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 69,3%, doanh nghiệp có quy mô nhỏ chiếm 24,5%, doanh nghiệp có quy mô vừa chiếm 3,5% và doanh nghiệp có quy mô lớn là 2,6%. Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp cam kết thực hiện phát triển xanh chủ yếu nằm ở nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn và một số ít là quy mô vừa (SATRA, Vinamilk, GFS, HHP…). Tỷ lệ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp có nhận thức về sản xuất xanh tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020.

Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Chiến Lược Phát Triển Kinh Tế Xanh

1. Chính Sách và Quy Định Chính Phủ

Chính sách và quy định của chính phủ đóng vai trò thiết yếu trong việc định hình chiến lược phát triển kinh tế xanh. Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách và pháp luật nhằm khuyến khích đầu tư vào các công nghệ sạch, phát triển năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường. Các chương trình hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế cho các dự án xanh, cùng với việc thực thi nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường là những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế xanh.

Nhận thấy vai trò quan trọng của kinh tế xanh trong việc phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, cải thiện hệ sinh thái và đảm bảo công bằng xã hội, Việt Nam đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050” vào ngày 25/9/2012, theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là chiến lược quốc gia đầu tiên về kinh tế xanh tại Việt Nam. 

Vào ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050”, với mục tiêu chính là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh, đạt thịnh vượng kinh tế, bền vững môi trường và công bằng xã hội, hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon. Mục tiêu cụ thể bao gồm giảm ít nhất 15% cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP đến năm 2030 so với năm 2014, giảm ít nhất 30% đến năm 2050; xanh hóa các ngành kinh tế, lối sống và tiêu dùng bền vững; và đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh hóa là bình đẳng, bao trùm và nâng cao khả năng chống chịu.

2. Cam kết của doanh nghiệp

ESG, viết tắt của Environment (Môi trường), Social (Xã hội), và Governance (Quản trị doanh nghiệp), là ba trụ cột của phát triển bền vững. Doanh nghiệp theo tiêu chí ESG cam kết bảo vệ môi trường xã hội trong khi phát triển kinh doanh. Họ thực hiện các hành động như chọn vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, và giảm phát thải.

Báo cáo của PwC vào tháng 10/2022 cho thấy 80% doanh nghiệp Việt Nam dự định thực hành ESG trong 2-4 năm tới. Tuy nhiên, phần lớn vẫn chưa thực hiện do thiếu kiến thức và nguồn lực. Doanh nghiệp tiên phong có thể tiếp cận nguồn tín dụng xanh từ các tổ chức quốc tế và ngân hàng, mang lại lợi ích lớn và hỗ trợ chiến lược quốc gia về phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Founder Sen Vàng Group cho rằng lời cam kết của doanh nghiệp, chủ đầu tư về một kinh tế xanh, sự bền vững là rất quan trọng

Phát triển kinh tế xanh mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Để đạt được tiêu chí “xanh” đúng nghĩa, dự án phải chứng minh hiệu quả tối ưu về tiết kiệm nước, điện, chất thải và chi phí bảo trì. Đây là nền tảng để phát triển bền vững và tạo nên sự khác biệt trên thị trường.

3. Nhận Thức và Giáo Dục Cộng Đồng

Để đảm bảo sự chuyển đổi và phát triển kinh tế xanh và bền vững, cần có sự nhận thức và tham gia của công chúng. Cần đẩy mạnh và đầu tử vào giáo dục và đào tạo nhằm tăng cường sự nhận thức về ý nghĩa và bản chất căn cơ của các mô hình kinh tế này; và vai trò quan trọng của mỗi cá nhân và doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường và xây dựng một tương lai bền vững và thịnh vượng chung. Đồng thời, tối quan trọng, cần xây dựng được một hệ giá trị văn hóa hành vi xanh, nền tảng căn cơ của sự phát triển bền vững.

Chính phủ cũng đề ra 17 giải pháp để thực hiện Chiến lược xanh. Trong đó, giải pháp đầu tiên Chính phủ yêu cầu thực hiện là: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khuyến khích hỗ trợ thực hiện. Với giải pháp đầu tiên này, cần tập trung tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh, những hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh.

4. Nguồn Tài Chính và Đầu Tư

Nguồn tài chính và đầu tư là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của chiến lược phát triển kinh tế xanh. Để thực hiện các dự án xanh, đặc biệt là các dự án quy mô lớn như xây dựng cơ sở hạ tầng xanh và phát triển năng lượng tái tạo, cần có sự hỗ trợ tài chính từ cả khu vực công và khu vực tư. Việt Nam cần tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc phát triển các giải pháp bền vững.

Với vai trò trung gian tài chính, cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngày càng nhiều ngân hàng và các tổ chức tài chính tại Việt Nam áp dụng ESG vào hoạt động thực tiễn để hướng tới thông điệp chung tay vì sự phát triển bền vững. 

Phát biểu tại tọa đàm “Thúc đẩy thực hành ESG trong ngành ngân hàng” do Thời báo Ngân hàng tổ chức chiều 25.7, tại Hà Nội, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho biết Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện các quy định, định hướng về ngân hàng xanh và tín dụng xanh phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Đến ngày 31.3, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống tổ chức tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỉ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

5. Đầu Tư cho R&D

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi mạnh mẽ các lĩnh vực đời sống, kinh tế và chính trị – xã hội. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ mới và chuyển đổi số toàn diện là cơ hội quan trọng để đạt được tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Gần đây, việc áp dụng công nghệ xanh trong quản lý, sản xuất và tiêu dùng đã tích cực hỗ trợ bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xanh. Công nghệ xanh giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí và tạo việc làm, đồng thời hỗ trợ chống biến đổi khí hậu và mở rộng triển vọng phát triển trong tương lai. Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghệ xanh.

Lấy ví dụ về doanh nghiệp sn xuất những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa. Điều này đòi hòi công tác R&D của doanh nghiệp cao.

6. Hợp Tác Quốc Tế

Hợp tác quốc tế cũng là yếu tố quan trọng trong việc triển khai chiến lược phát triển kinh tế xanh. Việt Nam cần học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia khác, tham gia vào các sáng kiến toàn cầu và ký kết các hiệp định quốc tế về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Sự hợp tác này không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận các công nghệ và tài nguyên mới mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường khả năng quản lý môi trường.

Thách Thức và Giải Pháp

Mặc dù các yếu tố trên đóng vai trò quan trọng, vẫn còn nhiều thách thức cần phải đối mặt trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam. Một số thách thức chính bao gồm sự thiếu hụt nguồn lực tài chính, sự thiếu đồng bộ trong thực thi các quy định, và sự chưa đầy đủ của hệ thống giáo dục về kinh tế xanh.

Để vượt qua những thách thức này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng. Chính phủ cần cải thiện khung pháp lý, cung cấp các cơ chế hỗ trợ tài chính hiệu quả và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Doanh nghiệp cần chủ động áp dụng các công nghệ xanh và thực hiện các sáng kiến bảo vệ môi trường. Cộng đồng cần nâng cao nhận thức và tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ môi trường.

Kết Luận

Kinh tế xanh không chỉ là một xu hướng toàn cầu mà còn là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Để đạt được thành công trong việc thực hiện chiến lược này, cần phải xem xét và tác động tích cực đến các yếu tố như chính sách và quy định, công nghệ, nhận thức cộng đồng, tài chính và hợp tác quốc tế. Với sự nỗ lực và hợp tác từ tất cả các bên liên quan, Việt Nam có thể xây dựng một nền kinh tế xanh và bền vững, đồng thời bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *