Hiện nay có rất nhiều những chứng nhận công trình xanh nhưng tại sao Chứng nhận Công trình xanh LEED lại được biết đến rộng rãi? Vậy nhóm lợi ích của chứng nhận Công trình xanh LEED mang lại những gì?
LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) là bộ chuẩn công trình xanh của Mỹ, được ban hành bởi USGBC – US Green Building Council. Đây là hệ thống chứng nhận Công Trình Xanh được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.
LEED có thể áp dụng ở hầu hết tất cả các loại công trình. LEED cung cấp những chuẩn mực về sức khỏe, hiệu quả năng lượng và tiết kiệm năng lượng cho công trình xanh. Chứng nhận LEED được thế giới công nhận như biểu tượng cho các định hướng và thành tựu bền vững. Vì vậy không thể phủ nhận những nhóm lợi ích to lớn mà chứng nhận LEED đem lại.
1. Lợi ích của chứng nhận Công trình xanh LEED về kinh tế
Giành được lợi thế cạnh tranh
61% lãnh đạo trong các tổ chức tin rằng định hướng bền vững là yếu tố tạo khác biệt với thị trường và cải thiện hiệu quả tài chính. Nếu công trình có chứng nhận Công trình xanh LEED sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh, nhất là tại các thị trường khó tính, từ đó nâng cao uy tín trên thị trường và đặc biệt là tạo được lợi thế trong quyết định mua sắm của Chính phủ. Về phía người tiêu dùng, họ yên tâm về chất lượng và độ an toàn đối với sức khỏe của chính mình; giảm nguy cơ mắc bệnh do sử dụng những sản phẩm có chứa chất gây hại, do vậy sẽ giảm các chi phí cho việc chữa bệnh; thể hiện trách nhiệm đối với xã hội thông qua tiêu dùng.
Tính đến cuối năm 2019, tại Việt Nam có gần 60 công trình xanh được chứng nhận Lotus và LEED. Sự nở rộ của công trình xanh cho thấy xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa hướng đến phát triển bền vững.
Thu hút người thuê công trình
Công trình đạt chứng nhận LEED có giá thuê cao nhất với tỷ lệ cho thuê giao động trong khoảng 20%. Tỷ lệ phòng trống của công trình xanh thường thấp hơn 4% so với công trình thông thường. Giới chuyên gia nhận định, thu nhập và nhận thức của thị trường đang chuyển biến theo hướng coi trọng các giá trị bền vững và tôn trọng thiên nhiên hơn.
Quản lý hiệu quả
LEED là hệ thống quản lý dự án cũng như hiệu quả công trình xanh lớn nhất thế giới. LEED cung cấp hệ thống chuẩn mực toàn diện về thiết kế, kiến trúc, vận hành cũng như hiệu suất cho công trình xanh.
Đạt mục tiêu ESG (Environmental, Social and Corporate Governance)
LEED giúp nhà đầu tư đạt mục tiêu ESG khi cung cấp những chuẩn mực xây dựng xanh thiết thực. LEED được công nhận toàn cầu để đo lường và quản lý hiệu quả hoạt động bất động sản của họ. Chứng nhận LEED cũng hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các phương thức quản lý nhằm ưu tiên hiệu quả công trình, giảm chi phí vận hành, tăng giá trị tài sản và đảm bảo hiệu suất, tiện nghi sức khỏe và hạnh phúc cho người sử dụng.
Hiệu quả chi phí
Nhờ vào thiết kế và công nghệ xanh, chi phí vận hành của công trình sẽ giảm đáng kể. Qua đó bù lại nhanh chóng cho các chi phí phụ trội trong quá trình xây dựng của dự án cũng như tiết kiệm về lâu dài.
Theo ước tính, ở Việt Nam một công trình nếu xây dựng theo xu hướng “xanh” thì chi phí xây dựng sẽ đội lên từ 5 đến 15% so với công trình thông thường. Tuy nhiên trong quá trình vận hành, một công trình xanh sẽ tiết kiệm được từ 20 đến 30% năng lượng tiêu thụ. Do đó, chỉ sau 4 đến 5 năm vận hành, số tiền tiết kiệm có thể bù đắp vốn đầu tư ban đầu.
2. Lợi ích về sức khỏe
Nhân viên và người sử dụng công trình
Báo cáo chỉ ra rằng những chủ doanh nghiệp có không gian làm việc đạt chứng nhận LEED có tỷ lệ tuyển dụng và tỷ lệ giữ lại cao hơn. Và hiệu quả công việc của nhân viên cũng tăng cao.
LEED tạo ra không gian trong lành với không khí sạch, đón được ánh sáng mặt trời, không chứa chất độc hại trong sơn và khi hoàn thiện công trình.
Các biện pháp thiết kế của một công trình xanh luôn chú trọng sử dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên đã giúp người sử dụng luôn có cảm giác thoải mái, dễ chịu. Theo nghiên cứu của Dailey (2013), chất lượng không khí trong nhà tốt có thể cải thiện đến 18% năng suất lao động, tăng khả năng nhớ và kích thích khả năng sáng tạo của não bộ.
Nâng cao chất lượng môi trường trong nhà
Ở các thành phố lớn, việc sống và làm việc trong môi trường đóng kín cửa, sử dụng điều hòa không khí và ánh sáng nhân tạo rất phổ biến, điều này là nguyên nhân chủ yếu gây ra các chứng bệnh như đau đầu, chóng mắt, hay mệt mỏi và thẩm chí là trầm cảm. Cải thiện chất lượng không khí trong nhà có thể giảm nguy cơ mắc bệnh dị ứng, bệnh hen suyễn, căng thẳng và trầm cảm đồng thời dẫn đến cải thiện năng suất
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Công trình xanh tận dụng ánh sáng tự nhiên, sử dụng nội thất không độc hại, sử dụng hệ thống thông gió để cấp gió tươi giúp giảm nồng độ CO2 trong không khí.
Công trình hiệu quả năng lượng giúp giảm ô nhiễm môi trường cũng như cải thiện chất lượng không khí bên ngoài các khu công nghiệp lớn, đặc biệt LEED là công cụ hiệu quả trong việc giảm thiểu khí thải.
3. Lợi ích của chứng nhận Công trình xanh LEED về môi trường
Chất gây ô nhiễm từ nhà máy nhiệt điện là một phần nguyên nhân của biến đổi khí hậu, gây nên các vấn đề về chất lượng không khí như mưa axit hay sương khói và đe dọa sức khỏe con người. Các giải pháp công trình xanh như sử dụng năng lượng mặt trời, chiếu sáng tự nhiên và các tiện ích giao thông công cộng làm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm khí thải độc hại.
Áp dụng đồng bộ các giải pháp xanh như hạn chế tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời, sử dụng thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, vòi chảy lưu lượng thấp… các dự án có thể tiết kiệm trung bình 28% năng lượng, 32% nước và 45% năng lượng hàm chứa trong vật liệu.
Cho đến năm 2030, các dự án LEED sẽ có thể chuyển đổi được hơn 540 triệu tấn rác thải từ những bãi chôn lấp.
Có thể thấy, lợi ích của chứng nhận Công trình Xanh LEED mang lại rất lớn. Không chỉ giúp cho các chủ đầu tư, người sử dụng mà còn giúp ích cho xã hội và môi trường rất nhiều.