Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động to lớn đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội, đặt ra thách thức to lớn cho quá trình phục hồi kinh tế – xã hội tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trước bối cảnh này, tài chính xanh và tài chính xã hội được xem như những công cụ thiết yếu để đảm bảo sự phục hồi mang tính bao trùm, kiên cường và bền vững. Trong đó, tài chính xanh đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn dòng vốn để thúc đẩy phát triển bền vững, giải quyết các thách thức môi trường và tạo ra tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau.
Tài chính xanh đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn dòng vốn để thúc đẩy phát triển bền vững (Ảnh minh họa)
Báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính phủ các nước trong việc thúc đẩy tài chính xanh và tài chính xã hội như những công cụ thiết yếu để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Báo cáo ADB cho rằng, chính phủ các nước cần áp dụng các chính sách hỗ trợ sự phát triển của tài chính xã hội và tài chính xanh – các công cụ tài chính được thiết kế để thúc đẩy các mục tiêu môi trường và xã hội. Cụ thể, ADB kêu gọi chính phủ các nước sử dụng các biện pháp tài khoá, luật pháp và quy định để đẩy nhanh sự phát triển của tài chính xanh và tài chính xã hội.
Các quy định trong việc thực thi tiêu chuẩn chung về công bố thông tin và đo lường tác động có thể góp phần đảm bảo tài chính xanh và tài chính xã hội thực sự hiệu quả, bền vững và có sức thu hút – đặc biệt là đối với khu vực tư nhân.
“COVID-19 làm cho người nghèo bị ảnh hưởng nhiều hơn, nhưng đồng thời cũng mang lại cơ hội để gây dựng lại tốt hơn”, ông Yasuyki Sawada, kinh tế gia trưởng của ADB đã phát biểu.
Cũng theo ông Yasuyki Sawada: “Cuộc “cài đặt lại vĩ đại” này đòi hỏi sự đầu tư từ rất nhiều lĩnh vực môi trường và xã hội, như y tế và giáo dục. Điều này chỉ có thể thực hiện thông qua những nỗ lực phối hợp giữa chính quyền khu vực và doanh nghiệp, đặc biệt khi nguồn thu của chính phủ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Chính phủ cần phải tăng cường hạ tầng thị trường và hệ sinh thái cho tài chính xanh và tài chính xã hội để xu hướng này có thể phát triển năng động và góp phần phục hồi một cách bền vững và bao trùm”.
Xu hướng tài chính xanh gia tăng đáng kể những năm gần đây (Ảnh minh họa)
Theo báo cáo của ADB, tài chính xanh và tài chính xã hội đã có sự gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân. Sự thay đổi trong ưu tiên của doanh nghiệp, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững, đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này.
Hơn 30 nghìn tỷ USD, tương đương với khoảng một phần ba của tài sản toàn cầu hiện nay, đang được quản lý kèm theo các xem xét về môi trường, xã hội và quản trị. Doanh nghiệp đang áp dụng tài chính xanh và tài chính xã hội nhằm giảm thiểu các rủi ro đối với tính bền vững, thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư có kiên nhẫn và xây dựng khả năng chống chịu mạnh mẽ hơn trước các thách thức.
“Mặc dù các nền kinh tế có thu nhập cao vẫn thống lĩnh thị trường, khu vực châu Á đang phát triển lại đang dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi trên thị trường trái phiếu xanh, xã hội và bền vững”, báo cáo cho biết.
Báo cáo cũng đã chỉ ra rằng tài chính xanh và tài chính xã hội đem lại nhiều lợi ích quan trọng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và cả xã hội. Các chứng cứ cho thấy rằng các doanh nghiệp áp dụng tài chính xanh thường có giá trị cổ phiếu cao hơn và khả năng chống chịu trong các đại dịch tốt hơn.
Trái phiếu xanh nhằm tăng hiệu quả môi trường (Ảnh minh họa)
Để thúc đẩy phục hồi xanh và bền vững, báo cáo đã đề xuất một số công cụ tài chính cụ thể, bao gồm các gói kích thích kinh tế, các biện pháp tài chính vi mô và việc định giá các-bon. Ngoài ra, các cơ chế tài trợ sáng tạo như trái phiếu tác động cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối nguồn vốn của khu vực tư nhân với các chương trình xã hội.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng các ngân hàng phát triển đa phương như ADB có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường phát triển tài chính xanh và tài chính xã hội.
Điều này có thể thực hiện thông qua việc tài trợ trực tiếp và khích lệ nguồn vốn từ các nguồn tài chính công và tư nhân thông qua các biện pháp tài trợ hỗn hợp, mở rộng tín dụng, bảo lãnh vốn vay và các công cụ tài chính sáng tạo khác. Các ngân hàng cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng cường cơ sở hạ tầng thị trường và hệ sinh thái, chính sách của chính phủ, cũng như cải thiện kiến thức và năng lực ở các nền kinh tế đang phát triển.