Vật liệu xanh được hiểu đơn giản là những loại vật liệu thân thiện với môi trường, chúng có những ưu điểm vượt trội về tính linh hoạt, độ bền vững và khả năng tái chế cao. Dưới đây là các loại vật liệu xây dựng trong nhóm những vật liệu xanh đang được yêu thích trên thị trường.
Xốp cách nhiệt XPS
Xốp XPS được làm bằng chất dẻo PS thông qua quá trình đặc biệt mà ở đó tấm cứng, giãn nở được đúc ép, cấu trúc của miếng xốp được hàn kín và có bọt.
- Ưu điểm: cách nhiệt hoàn hảo (độ dẫn nhiệt là 0.0289w/m.k), cách âm tốt, chống lại lực nén cao, không thấm nước, chống ẩm, chống ăn mòn, trọng lượng nhẹ dễ dàng thuận tiện trong quá trình vận chuyển. Đặc biệt là có độ bền rất cao do sự ổn định của cấu trúc hóa học và vật lý. Dù đã được sử dụng trên 50 năm, khả năng cách nhiệt của nó vẫn đạt trên 80% so với giai đoạn ban đầu.
- Nhược điểm: Giá thành của loại vật liệu xanh này sẽ cao hơn những loại xốp EPS thông thường, tuy nhiên xét về khả năng và hiệu năng thì xốp XPS hoàn toàn vượt trội hơn hẳn.
Bê tông nhẹ (bê tông khí chưng áp)
Gạch bê tông khí chưng áp là một loại gạch không nung, siêu nhẹ có kết cấu bê tông với đa số các bọt khí nhỏ chiếm tới 80%. Loại gạch này là vật liệu xanh chất lượng cao được sản xuất từ cát, đá mạt nghiền mịn kết hợp với xi măng, vôi, thạch cao, cùng hợp chất nhôm và nước. Tại Việt Nam bê tông nhẹ được phổ biến từ năm 2008 đến nay và được sử dụng rộng rãi bởi vì nó không gây ô nhiễm, thân thiện với môi trường, tốt cho sức khỏe con người và nhất là có thể tái chế sử dụng.
- Ưu điểm: Trọng lượng nhẹ, cách âm tốt, cách nhiệt, tiết kiệm năng lượng, độ chính xác cao, bền vững thân thiện với môi trường và sức khỏe con người.
- Nhược điểm: loại gạch bê tông khí chưng áp này có kích thước lớn nên nhiều trường hợp xây không chẵn viên. Trong những trường hợp này thì thợ xây có thể dùng cưa tay hoặc máy cắt cầm tay để cắt theo kích thước cần sử dụng. Ngoài ra vì đây là loại gạch siêu nhẹ nên khó có thể treo được các vật nặng với vít nở thường (như tủ bếp, bình nóng lạnh, tivi lớn). Để khắc phục thì cần phải lựa chọn những loại nở mềm hơn, vít dài hơn và trong khi thi công nên bổ sung cốt thép cho những vị trí cần treo đồ nặng
Tấm lợp sinh thái
Tấm lợp sinh thái hay còn được gọi là ngói sinh thái hoặc tôn sinh thái với tên tiếng anh là Ecological roofing sheet. Loại được sử dụng phổ biến nhất là ngói Onduline được làm từ hỗn hợp nhựa Bitum và sợi cơ tổng hợp sản xuất theo công nghệ cao của Pháp.
- Ưu điểm: Không cháy, không thấm nước, chống tia tử ngoại và nước, chống ăn mòn đối với sương muối và axit, chất kiềm, chống va đập. Ngoài ra do có trọng lượng rất nhẹ nên dễ dàng trong việc thi công. Nước Anh cũng như các cơ quan kiểm nghiệm tại Việt Nam cho thấy nước uống hứng từ mái lợp Onduline hoàn toàn không có độc tố ví dụ như Amiang, tác nhân chính gây ung thư và đáp ứng yêu cầu an toàn về nước uống của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO).
- Nhược điểm: Khi ứng dụng tại các nước có khí hậu nhiệt đới, nắng nóng kéo dài tấm lợp sẽ có hiện tượng bị mềm ra, lưu ý khi thi công là cần làm hệ khung thép dày hơn bình thường.
Xi măng xanh
Có 3 loại xi măng chính là: Ekkomaxx, Geopolymer và xi măng magie Oxychloride (MOC).
Phần lớn quy trình sản xuất các loại xi măng đều dựa trên những tiến bộ công nghệ gồm các phương pháp sản xuất carbon thấp, tiết kiệm năng lượng, công thức xi măng mới, công cụ địa chất, xi măng carbon và các sản phẩm bê tông mới. Đặc biệt, khi sản xuất xi măng xanh giúp làm giảm lượng xi măng cùng các nguyên liệu chính tạo ra nó, bao gồm các chất thải công nghiệp bị loại bỏ như xỉ lò cao hay tro bay. Loại vật liệu xanh này được trung tâm Công nghệ Trenchless thuộc ĐH Công nghệ Louisiana – Mỹ phát hiện.
Xi măng Ekkomaxx
Loại xi măng này có thành phần chủ yếu bao gồm 95% tro bay và 5% phụ gia lỏng tái tạo. Được sản xuất dựa trên các tiêu chuẩn của Hội đồng mã quốc tế và Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ, trong suốt quá trình tạo ra loại xi măng này lượng khi carbon thải ra môi trường gần như bằng không.
Xi măng Geopolymer
Hay được gọi là xi măng kiềm hoạt tính, được sản xuất từ alumino silic thay vì canxi oxit gây hại cho môi trường. Các alumino silic thu được từ quá trình sản xuất tro bay. Xi măng Geopolymer được sản xuất ra để cạnh tranh với xi măng Portland thông thường cả về hiệu suất lẫn mức giá, đồng thời nó thải ra lượng CO2 ít hơn tận 95% so với đối thủ cạnh tranh.
Xi măng magie Oxychloride (MOC)
Là loại xi măng trung tính và thân thiện với môi trường, được tạo ra bởi hai loại nguyên liệu chính là bột magie oxit (MgO) cùng dung dịch magie clorua (MgCl), đây là sản phẩm phụ thu được từ việc khai thác magie. MOC có cường độ nén lớn nhưng nước có thể làm giảm đáng kể cường độ của nó. Có thể khắc phục 1 cách nhất định bằng cách đưa thêm 15% tro bay và silicafume. Nên thêm axit photphoric và phốt phát hòa tan để cải thiện tính kháng, chống lại nước ấm tốt hơn. Ngoài ra sử dụng MOC dẫn đến sự ăn mòn của thép nên khể thể ứng dụng trong các công trình có thiết kế cấu trúc bê tông cốt thép.
Ưu điểm chung
Cả 3 loại đều giảm phát thải carbon dioxide, không cần nhiệt độ trong quy trình sản xuất, lượng carbon dioxide giải phóng ít hơn tới 80%.
Hỗ trợ tốt cho việc tái tạo các chất thải công nghiệp như tro bay, silicafume và lò cuối cùng có thể là một vài mẫu đất để xử lý nó. Bảo vệ đất khỏi biến thành những bãi rác và cuối cùng là bị phân hủy.
Làm giảm nhiều nguồn năng lượng cần thiết trong việc sản xuất xi măng. Ngoài ra, nó còn có thể chịu được biến động từ nhiệt độ, làm giảm đáng kể chi phí liên quan đến cả việc sưởi ấm và làm mát.
Nhược điểm chung
Dù đã được thương mại hóa áp dụng trong nhiều dự án khác nhau nhưng chưa được áp dụng rộng rãi trong các dự án xây dựng nhưng tiềm năng được sử dụng của xi măng xanh là rất cao.
Vật liệu xây dựng tái chế
Việc sử dụng vật liệu xây dựng tái chế có tác dụng làm giảm nhu cầu vật liệu mới, giảm thiểu các chi phí sản xuất. Bạn có thể tận dụng vật liệu tái chế theo gợi ý dưới đây để tiết kiệm được chi phí mà vẫn đảm bảo được chất lượng công trình
- Gạch: Sử dụng những viên gạch lành cho tường chắn, các công trình phụ. Gạch vỡ làm nền móng, lối đi và trang.
- Bê tông: Bê tông vụn sau khi phá dỡ có thể được tận dụng để làm nền nhà. San lấp công trình hoặc làm nguyên liệu để sản xuất gạch không nung.
- Kim loại: Phế thải xây dựng được tái sử dụng nhiều nhất là thép. Vật liệu này được tái chế gần như hoàn toàn, cho phép tái chế lặp đi lặp lại.
- Gỗ: Gỗ tái chế được tận dụng từ nhà kho, nhà cổ, những thùng rượu, thùng chở hàng. Gỗ dư thừa từ các công trình xây dựng và phá vỡ có thể được tái sử dụng cho các dự án xây dựng khác sau khi làm sạch.
- Nhựa: Chất thải nhựa có thể tái chế tốt nhất khi các phế liệu này được thu gom riêng, không pha trộn với các chất thải khác. Chất thải nhựa sau khi được làm sạch có thể được tái sử dụng trong các sản phẩm. Được thiết kế đặc biệt như ống dẫn cáp, cửa sổ PVC, mái nhà hay sàn nhà.
Việc áp dụng vật liệu xanh vào trong ngành xây dựng có thể tiết kiệm được rất nhiều tài nguyên thiên nhiên cho đất nước, bảo vệ môi trường và giá tăng chất lượng cũng như giá trị bền vững đối với cuộc sống của người dân.