Chi phí phát triển công trình xanh tại Việt Nam

Hiện nay vẫn còn khá nhiều các chủ đầu tư còn quan niệm rằng phát triển công trình xanh sẽ làm tăng chi phí đầu tư. Thực tế các Chủ đầu tư hoàn toàn có thể tối ưu đồng vốn của mình, xứng đáng tới từng xu, thậm chí giảm đáng kể chi phí đầu tư ban đầu.

1. Những chi phí sẽ bị ảnh hưởng khi chuyển hướng sang xây dựng Công trình Xanh.

Phí Đăng ký và Đánh giá:

Thường rất nhỏ so với mức đầu tư của dự án. Chi phí này bao gồm toàn bộ quá trình từ giai đoạn đánh giá thiết kế đến giai đoạn đánh giá hoàn công và cập nhật dữ liệu vận hành. Nếu một dự án có tổng diện tích sàn (GFA) 25.000 m2 theo LOTUS là 132 triệu đồng.

Chi phí cho điều phối viên về công trình xanh (green building coordinator):

Việc có một đơn vị hoặc chuyên gia phụ trách điều phối về hồ sơ, các tiêu chí kỹ thuật và các giải pháp bền vững không chỉ thuần tuý đáp ứng yêu cầu của LEED hay LOTUS, đảm bảo một bộ hồ sơ trình nộp hoàn chỉnh, đúng thời hạn, mà còn làm tăng sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các thành viên dự án, khuyến khích quá trình thiết kế tích hợp. 

Chi phí cho quá trình tối ưu hoá hiệu năng công trình:

Khoản chi phí này thường có 3 khoản: chi phí mô phỏng năng lượng (energy modeling), chi phí kiểm tra và nghiệm thu (testing and commissioning) và chi phí cho thiết bị và vật liệu xanh

Tuy nhiên, việc lựa chọn ra phương án thiết kế thụ động và thiết kế tích hợp tối ưu có thể giúp chủ đầu tư giảm chi phí phần cứng (ví dụ chi phí hệ thống HVAC). Hiện tại còn ít chủ đầu tư thực hiện được triệt để, thường chỉ thực hiện khi công việc thiết kế cơ bản đã xong, thuần tuý để đáp ứng yêu cầu của LEED hay LOTUS, nên chưa tận dụng được hết lợi ích của dịch vụ này.

Chi phí do mua thiết bị và vật liệu xanh thay vì mua thiết bị và vật liệu thông thường bắt đầu trở nên đáng kể nếu dự án đặt mục tiêu các mức chứng nhận cao, như Vàng hay Bạch Kim.

2. Các yếu tố nào ảnh hưởng đến chi phí phát triển Công trình Xanh

Nếu các mục tiêu về công trình xanh được cân nhắc từ khi lập kế hoạch về lên ngân sách, sau đó được tích hợp trong quá trình thiết kế và triển khai cụ thể, thì chi phí phát sinh thêm thường thấp (nếu có). Mục tiêu được đưa ra càng muộn thì tính khả thi càng thấp, chi phí thực hiện càng cao.

Với kinh nghiệm, đơn vị tư vấn có thể đưa ra được các giải pháp vừa đạt yêu cầu về hiệu năng vừa đảm bảo ngân sách dự án, đồng thời đảm bảo quá trình phối hợp hiệu quả, giảm thiểu xung đột.

Thông thường, dự án đạt mục tiêu đạt chứng nhận càng cao (ví dụ Vàng, Bạch Kim) thì sẽ cần chi phí đầu tư cao hơn nhằm đạt các tiêu chí cao hơn. Tuy nhiên đã có không ít ví dụ các đội dự án áp dụng thiết kế tích hợp và đạt được mức hiệu năng rất cao mà không làm tăng chi phí đầu tư. Nguyên nhân là khi việc tối ưu hoá được thực hiện biệt lập ở từng hệ thống đơn lẻ, thì quy luật là hiệu năng càng cao, chi phí đầu tư càng cao (ví dụ chi phí cho hệ thống HVAC, chiếu sáng v.v.).

Tuy nhiên khi thực hiện thiết kế theo quy trình tích hợp, việc tối ưu hoá được thực hiện từ tổng thể công trình, tính đến sự tương tác giữa các hệ thống cũng như tìm ra các giải pháp tối ưu đồng thời nhiều hệ thống, chức năng v.v. nên giảm được chi phí đầu tư.   

3. Chi phí phụ trội cho Công trình Xanh 

Chi phí phụ trội trong xây dựng Công trình xanh thường được tính dựa trên chi phí phát sinh để đạt Chứng nhận công trình xanh so với ngân sách xây dựng công trình thông thường ban đầu của chủ đầu tư.

Trong kết quả phân tích của USGBC và Capital E, trung bình chi phí tăng thêm cho mức LEED – Gold là 1.82%. Mức tăng này thấp hơn mức trung bình cho mức LEED – Silver (2.11%). Điều này có thể là do quy mô nghiên cứu (sample size) còn nhỏ (chỉ có 6 công trình Gold trong số 33 công trình được phân tích). Tuy nhiên số liệu này cũng cho thấy có thể xây dựng công trình xanh đạt mức GOLD với chi phí tăng không nhiều so với công trình thông thường (đặc biệt nếu áp dụng thiết kế tích hợp như trên đề cập).

4. Làm sao để giảm thiểu chi phí trong xây dựng Công trình Xanh?

Kinh nghiệm từ các dự án thực tế và các chuyên gia cho rằng: một dự án có thể đạt LOTUS Certified đến Silver mà chi phí tăng thêm không quá 1-2%, nếu đặt mục tiêu và bắt đầu sớm, làm việc với đội ngũ thiết kế và xây dựng dày kinh nghiệm và áp dụng Thiết kế tích hợp (Integrated Design Process) từ giai đoạn tiền thiết kế xuyên suốt đến khi nghiệm thu và vận hành dự án. 

Để xây dựng công trình xanh với chi phí hợp lý, cần xây dựng một khái niệm các giải pháp cụ thể có thể rất đắt hoặc rất rẻ.

– Xác định lộ trình công trình xanh ngay từ giai đoạn đầu và lựa chọn một đội ngũ chuyên gia đa ngành nhiều giải pháp.

– Khi xây dựng công trình xanh cần được tính tới ngay từ giai đoạn quy hoạch tổng mặt bằng.

– Bên cạnh giải pháp về cây xanh tái tạo, khi xây dựng công trình, người ta cũng tính đến sử dụng vật liệu tái tạo. Các vật liệu khi phá dỡ sẽ được di chuyển đến nhà máy tái chế vật liệu xây dựng. Vậy là từ các chi phí tiết kiệm được giảm giá thành xây dựng công trình.

– Đưa ý tưởng công trình xanh ngay từ giai đoạn đầu để có những thiết kế tốt nhất mà chi phí không cao.

Mặc dù Việt Nam mới nghiên cứu về công trình xanh từ những năm đầu của thế kỷ XXI, nhưng chúng ta đã có nhiều thành công trong lĩnh vực này. Đặc biệt Chính phủ Việt Nam cũng rất nỗ lực trong các chính sách để phát triển công trình xanh. Như vậy thị trường xây dựng xanh sẽ rất phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới khi người dân nhận thức được những lợi ích của nó.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *