Xây dựng công trình xanh là điều cấp thiết tại Việt Nam

Sự cấp thiết của việc xây dựng Công trình Xanh tại Việt Nam đi kèm với những ưu thế quan trọng như: Sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm chi phí vận hành, giảm thiểu tác động tới môi trường trong khi vẫn đảm bảo tiện nghi cho người sử dụng. Các công trình xanh đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu trên thế giới hiện nay.


Xây dựng công trình xanh là điều cấp thiết tại Việt Nam – Ảnh minh họa

I. Thực trạng Công trình Xanh tại Việt Nam
Công trình xanh đã được giới thiệu với thị trường xây dựng Việt Nam từ năm 2007 và nhận được sự ủng hộ từ cả chính phủ và khu vực tư nhân. Mặc dù được nhận thức rộng rãi trên thị trường, số lượng công trình xanh, bền vững tính đến quý III, 2020 mới chỉ đạt 155 công trình. Đây là một con số đáng khích lệ tại thị trường Việt Nam nhưng lại là một con số khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực, đặc biệt là Singapore và Malaysia.


Thực trạng công trình Xanh tại Việt Nam – Ảnh minh họa

II. Vì sao việc xây dựng Công trình xanh tại Việt Nam lại cấp thiết?
Được thiết kế thân thiện với môi trường và sử dụng tài nguyên hiệu quả trong suốt vòng đời của mình, các công trình xanh đã được nhìn nhận là một giải pháp cấp thiết cho Việt Nam để đạt tới sự phát triển đô thị bền vững. Xây dựng Công trình Xanh cũng đem lại lợi ích kinh tế cho các chủ đầu tư nhờ giảm chi phí vận hành, tăng năng suất lao động và sử dụng các vật liệu bền vững.
Nghiên cứu kỹ thuật chi tiết của IFC cho Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả QCVN 09:2013/BXD tại Việt Nam cho thấy: Các công trình hoàn toàn có khả năng tiết kiệm được từ 25-30% chi phí điện nước khi đi vào vận hành. Nếu các quy chuẩn này được triển khai đồng loạt ở các công trình xây mới trên khắp cả nước, Việt Nam sẽ có thể tiết kiệm hàng tỷ đô la Mỹ chi phí năng lượng, và giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu cũng như việc xây dựng các nhà máy phát điện mới.


The Sustainability Treehouse – Kiến trúc tìm về với thiên nhiên là một trong những công trình xanh tiêu biểu của Hoa Kỳ


Theo PGS. TS. Phạm Đức Nguyên, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội môi trường xây dựng Việt Nam, Việt Nam cần có một mô hình hợp lý, hiệu quả về Công trình Xanh để chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu theo xu thế của khu vực và Thế giới.
Theo “Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn 2050”, năm 2015 tỷ lệ đô thị hóa đạt 38% tương đương khoảng 35 triệu dân đô thị thì đến năm 2025, dân số thành phố sẽ chiếm khoảng 52 triệu, đạt tỷ lệ đô thị hóa là 50%.
Hệ sinh thái và môi trường sẽ chịu sức ép rất lớn từ quá trình đô thị hóa. Đất nông nghiệp sẽ trở thành đất đô thị phục vụ cho việc xây dựng nhà ở, văn phòng và các công trình phục vụ người dân như hệ thống giao thông, các khu công nghiệp. Ruộng đồng, rừng cây, thảm cỏ, ao hồ, sông ngòi, sinh vật sẽ bị biến mất để nhường chỗ cho quá trình này.


Đô thị hóa ảnh hưởng xấu tới môi trường – Ảnh minh họa (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

Bề mặt tự nhiên sẽ là bề mặt của công trình xây dựng, giao thông làm quá trình hấp thụ bức xạ mặt trời trở nên mạnh hơn khiến cho nhiệt độ tại các đô thị tăng cao. Môi trường sẽ bị thay đổi mạnh so với môi trường tự nhiên không chỉ tạo ra sự bất lợi cho con người mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cả hệ sinh thái trong môi trường khu vực lẫn toàn cầu.
Điều đáng lo lắng nhất là sự gia tăng sản xuất điện năng, tăng cường hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch phục vụ cho con người dẫn tới việc phát thải khí CO2 làm nóng Trái Đất và gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu. Toàn bộ năng lượng trong tất cả các công trình xây dựng cũng gây ra khoảng gần một nửa lượng CO2 trong khí quyển.


Đô thị hóa tác động tới biến đổi khí hậu – Ảnh minh họa


PGS.TS. Phạm Đức Nguyên cho rằng, sau khi nghiên cứu nhiều hệ thống Công trình Xanh trên Thế giới, nhận thấy rằng chỉ có hệ thống BCA Green Mark Singapore là chú trọng tới điều kiện khí hậu nhiệt đới thể hiện qua ưu tiên thông gió tự nhiên trong các tòa nhà đã được áp dụng trong xây dựng Hệ thống đánh giá Công trình Xanh cho Việt Nam, cũng như bổ sung thêm các đặc điểm xây dựng khác chỉ riêng Việt Nam có.


Tổng quan về tiêu chí “Green Mark” của BCA Singapore


Để phát triển được Công trình Xanh cần có một tổ chức lãnh đạo và thực hiện. Phải công bố một “Hệ thống đánh giá Công trình Xanh” khoa học, chuẩn xác, phù hợp với đặc điểm văn hóa, kinh tế, xã hội, khí hậu, công nghệ xây dựng của từng nước.
Sự tham gia của cấp Ủy, Chính quyền trong việc triển khai Công trình Xanh sẽ thuận lợi trong việc đề ra các chính sách khuyến khích. Quan trọng hơn là đánh giá cấp chứng chỉ Công trình Xanh do cơ quan chuyên môn lãnh đạo thực hiện. Tuy nhiên, việc phổ biến kiến thức, tuyên truyền về Công trình Xanh tới cộng đồng và các nhà đầu tư cũng cần được quan tâm.
Sau 20 năm ra đời và phát triển, Công trình Xanh thực sự là một phong trào mạnh mẽ trên toàn cầu, đã và sẽ góp phần hiệu quả trong chiến dịch chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu, mang lại sức sống mới cho dân cư đô thị và môi trường sống sạch đẹp.


Công trình xanh đã xây dựng trên toàn thế giới có diện tích 1,04 tỷ mét vuông, gấp 10 lần diện tích thành phố Paris – Ảnh minh họa

Với sự cấp thiết của phong trào xây dựng Công trình Xanh, Việt Nam cần chủ động và tham khảo kỹ kinh nghiệm tại khu vực và quốc tế để thúc đẩy theo kịp tốc độ phát triển của Thế giới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *